Đái dầm là chuyện mà đa số các bậc cha mẹ và trẻ ngại nhắc tới. Điều dưỡng nhi khoa khẳng định bệnh đái dầm hoàn toàn có thể chữa khỏi trong một thời gian ngắn.
- Điều dưỡng cảnh báo những món ăn thường ngày gây ung thư
- Không đổi mới trong đào tạo khó tránh sai sót trong Y khoa
Đái dầm phổ biến hơn người ta tưởng rất nhiều. Hiện tượng này hay gặp ở trẻ nhỏ, hiếm gặp hơn ở tuổi học sinh và người trưởng thành. Theo khảo sát, có khoảng 20% trẻ 5 tuổi và 3% trẻ 12 tuổi có những đợt đái dầm.
Nguyên nhân gây ra bệnh đái dầm
Đái dầm rất hiếm khi liên quan tới những bệnh lý như nhiễm trùng tiết niệu hay tiểu đường. Trong một số trường hợp, những khó khăn tâm lý như sự lo lắng có thể đóng vai trò nhất định. Tuy nhiên, yếu tố di truyền cũng có vai trò rất quan trọng – đái dầm liên quan nhiều tới nhiễm sắc thể số 13.
Khả năng mắc chứng đái dầm ở một trong những người con trong gia đình sẽ là:
– 77% nếu cả cha và mẹ đều từng đái dầm khi nhỏ.
– 44% nếu một trong hai phụ huynh từng bị đái dầm.
– 15% nếu cả cha và mẹ không đái dầm.
Theo lý luận của y học phương Đông, phổi hay còn gọi là phế là một tạng chủ về khí có quan hệ chặt chẽ (biểu lý) với bàng quang. Phổi ảnh hưởng trực tiếp đến sự chế ước, điều tiết nước của bàng quang thông qua sự hoạt động phức tạp của hệ thần kinh thực vật. Do vậy, nếu chức năng của phổi yếu cộng với hệ thần kinh thực vật bị rối loạn (chủ yếu do sử dụng thuốc kháng sinh liều cao) thì hoạt động của bàng quang sẽ không bình thường, gây ra bệnh đái dầm. Hiểu được tác nhân chính gây ra bệnh đái dầm sẽ giúp tìm ra được phương thức điều trị thực sự hiệu quả và an toàn.
Bệnh đái dầm nguy hiểm khi trẻ lên 5-6 tuổi vẫn đái dầm
Chẩn đoán đái dầm được đưa ra khi trẻ không thể giữ khô giường, trong khi đã lên 5-6 tuổi. Theo điều dưỡng đa khoa, bệnh lý này hay gặp ở bé trai hơn bé gái.
Phần lớn phụ huynh coi chứng đái dầm là bất thường về hành vi hay tâm lý, và họ cố gắng giải quyết vấn đề theo hướng này. Tuy nhiên, đái dầm chỉ được coi là mang tính hành vi nếu trước đó, trẻ từng không “tè” ra giường trong ít nhất 6 tháng. Đái dầm là sự kết hợp của hai yếu tố quan trọng ở trẻ:
– Nhu cầu đi tiểu về đêm cao hơn bình thường.
– Hệ thống tín hiệu bên trong (giúp đánh thức ta dậy ban đêm khi có nhu cầu tiểu tiện) chưa hoàn thiện.
Khi lớn lên, người ta thôi không đi tiểu nhiều về đêm và dễ tỉnh giấc khi ngủ. Chỉ một trong hai yếu tố này không đủ gây ra chứng đái dầm. Bệnh lý chỉ xuất hiện khi có sự kết hợp của cả hai yếu tố nói trên.
Khoa học điều dưỡng đưa ra phương pháp điều trị bệnh.
Các bậc cha mẹ đừng tỏ ra quá lo lắng về hiện tượng này và đừng la mắng trẻ vì sẽ làm cho bé căng thẳng hơn và đái dầm có thể tăng thêm. Điều dưỡng viên khuyên cha mẹ nên kiên trì và thông cảm, chú ý nhắc nhở bé đi tiểu trước khi đi ngủ và không nên uống nước 2 – 3 giờ trước khi đi ngủ. Có thể sử dụng loại đồng hồ báo thức có khả năng phát hiện sớm các giọt nước tiểu đầu tiên để đánh thức trẻ dậy. Cách thức này hứa hẹn 70 – 80% thành công. Nên ghi lại những lần bé tè dầm vào một quyển sổ hoặc lịch để theo dõi, khi trẻ chiến thắng tè dầm một lần, đừng tiếc lời khen ngợi và hãy động viên khen thưởng bé. Việc làm này sẽ khiến các bé rất quyết tâm cố gắng. Thay, giặt đồ cho bé cẩn thận trước khi đến lớp để gạt bỏ mặc cảm tự ti trước thầy cô, bạn bè. Nên tránh cho trẻ chứng kiến những cuộc cãi vã của người lớn và nên quan tâm đến các yếu tố tác động tâm lý trên trẻ trong mọi quan hệ với thầy cô, bạn bè, anh chị em ruột…
Khi dùng các biện pháp kể trên mà trẻ vẫn đái dầm thì có thể dùng thuốc. Tuy nhiên, không cần điều trị thuốc khi trẻ dưới 6 tuổi. Thuốc được dùng đầu tiên là desmopressin dưới dạng bơm xịt vào mũi cho trẻ trước khi đi ngủ. Loại thuốc này có tác dụng làm giảm bài tiết nước tiểu, tránh tè dầm ban đêm. Ngoài ra, có thể dùng thuốc oxybutinin. Thuốc này tác động lên cơ của bàng quang, giúp bàng quang giữ được nước tiểu trong bàng quang tốt hơn và như thế giúp trẻ tự chủ được việc đi tiểu của mình.
Nguồn: tapchidinhduong.vn