Theo ý kiến từ PGS Nguyễn Phương Nga, để học sinh THPT được làm quen với việc thi trên máy tính, các trường THPT cần có phòng máy tính có cài các bài thi mẫu…
- Nam sinh Học viện Quân y đẹp trai như Tây vừa học giỏi lại còn đánh đàn hay
- ắp có Đại học quốc tế lớn nhất Việt Nam tại Bình Dương
- Chàng trai thủ khoa bị khiếm thị và giấc mơ trở thành nhà tâm lý học
Cần có thời gian để thí sinh làm quen với việc thi trên máy tính
Ủng hộ đẩy nhanh việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia theo cách quốc tế đang áp dụng với hình thức thi trên máy, thi nhiều đợt/năm… nhưng các chuyên gia cũng cho rằng để làm được điều đó đề thi phải chuẩn hóa, điều kiện về máy móc, kỹ thuật phải ngang bằng nhau mới đảm bảo được công bằng về kết quả bài làm của thí sinh.
Thi nhiều lần/năm, đề thi phải có độ khó bằng nhau mới công bằng
Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh (TS) có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo quy định của Bộ GD-ĐT, kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).
Theo giảng viên Trường Trung học phổ thông Sài Gòn cập nhật từ GS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, ông cho rằng để tổ chức thi nhiều đợt thì vấn đề quan trọng hàng đầu để đảm bảo công bằng cho TS ở từng đợt thi là đề thi phải có độ khó bằng nhau. Ở nước ngoài, họ dùng kỹ thuật để so bằng độ khó trong đề thi ở các lần thi. Đây là yêu cầu bắt buộc của việc cho phép thi nhiều lần trong năm, bởi nếu không dùng kỹ thuật này thì có cố gắng làm đề chuẩn đến mấy thì mỗi lần vẫn có một độ khó khác nhau và điều đó tạo ra sự không công bằng.
Theo bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội cũng khẳng định việc tổ chức được thi nhiều lần trong một năm thông qua các trung tâm khảo thí độc lập là điều lý tưởng, học sinh, phụ huynh và các nhà trường chắc chắn đang rất chờ mong điều này được thực thi, áp lực dồn lên một kỳ thi nhờ đó cũng giảm đi rất nhiều so với hiện nay. Bà Nhiếp cũng cho rằng đề thi phải đánh giá được năng lực người học thì mới thúc đẩy đổi mới trong các nhà trường, nhất là thời điểm năm 2025, “lứa” học sinh THPT đầu tiên học chương trình mới, ra trường.
Ông Lê Đông Phương, Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng ngân hàng đề thi là vấn đề khó nhất, kiểm định độ khó và tin cậy của câu hỏi rất phức tạp. Đây là vấn đề trọng tâm, Bộ GD-ĐT cần đầu tư thêm nhiều nữa, trước khi chuẩn hóa đưa vào triển khai.
PGS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN), đề xuất mỗi năm tối thiểu 2 kỳ thi do từng địa phương lựa chọn thời gian tổ chức phù hợp. Học sinh lớp 12 được lựa chọn nơi thi và thời gian thi phù hợp với hoàn cảnh và nguyện vọng cá nhân. Việc tổ chức thi nhiều lần/năm trên máy tính tại các địa điểm thi (test sites) là giải pháp tối ưu để loại bỏ hoàn toàn sự can thiệp có chủ đích làm sai lệch các kết quả thi. Và đây cũng là giải pháp tạo nhiều cơ hội cho học sinh lớp 12 được đăng ký để đánh giá mức độ năng lực cá nhân đạt chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng khẳng định Bộ GD-ĐT sẽ có trách nhiệm kiểm soát chất lượng của đề thi để giữa thi trên máy hay trên giấy chỉ là vấn đề hình thức lựa chọn, không phải là hai nội dung khác nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, theo ông Nhạ, vẫn là làm sao để nâng cao năng lực tổ chức thi cho tốt vì máy tính có tốt, phần mềm có chắc thì quyết định vẫn là con người.
Đề xuất thí điểm thi trên máy từ năm 2020?
Tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, bàn về phương án tổ chức thi THPT sau năm 2020, có ý kiến đề nghị ngay từ kỳ thi năm 2020 tới nên cho phép thí điểm thi trên máy ở những nơi có điều kiện.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp cho rằng việc thí điểm là cần thiết nhưng chỉ nên áp dụng ở nơi hoàn toàn khả thi về hạ tầng máy móc ở một số trường có điều kiện thuận lợi thuộc các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội. Tuy nhiên, nếu áp dụng thí điểm từ năm 2020 thì Bộ cũng cần phải công bố rất sớm để nơi nào thuộc diện có thể thí điểm còn có thời gian chuẩn bị về tâm thế, kỹ thuật làm bài trên máy cho học sinh một cách thuần thục, nhuần nhuyễn.
Theo PGS Nguyễn Phương Nga, để học sinh THPT được làm quen với việc thi trên máy tính, các trường THPT cần có phòng máy tính có cài các bài thi mẫu. Đồng thời, trên cổng thông tin điện tử của Bộ và các sở GD-ĐT cần có diễn đàn riêng, có một số đề thi và phần mềm thi để mỗi học sinh có thể vào thi thử.
Cũng theo bà Nga, khi tổ chức cả hai hình thức thi phù hợp với điều kiện của địa phương, Bộ GD-ĐT cần tổng kết đánh giá so sánh giữa việc thi trên giấy và thi trên máy tính để có những điều chỉnh phù hợp về khâu tổ chức và tiến tới việc thi đại trà trên máy tính hằng năm.
GS Nguyễn Quý Thanh nêu vấn đề: “Thi trên máy thì chuẩn hóa phòng thi rất quan trọng, tính bảo mật và đường truyền phải đảm bảo. Chuẩn hóa nghĩa là mọi người đều phải tiếp cận một điều kiện kỹ thuật bằng nhau, không thể chỗ này chậm, chỗ kia lại nhanh thì không thể có kết quả công bằng”. Ông Lê Đông Phương cũng cho rằng việc điều chỉnh thi trên giấy sang máy tính cần phải làm sớm. Tuy nhiên, phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, đến năm 2025 chưa thể thi máy hóa tuyệt đối thì vẫn cần có phương án thi trên giấy.
Học sinh phải được làm quen với máy
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp ngày 26.9 cũng lưu ý: “Điều đặc biệt quan trọng ở chỗ muốn thi được trên máy thì không chỉ cần có máy, mà là các học sinh trong quá trình học phải làm quen với máy rồi, cho nên không thể cực đoan, nghĩa là kể cả sau này khi đã thi trên máy rồi, có thể vẫn còn một số bộ phận luôn luôn phải thi trên giấy. Nhưng xu hướng là mình phải dùng công nghệ để các cháu có thể thi được nhiều lần và bớt đi được sự can thiệp của con người”.