Đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định các trường đại học có quyền xác định mức điểm trúng tuyển nhưng không được hạ xuống quá thấp để “vét” thí sinh. Nếu có sai phạm, Bộ GD&ĐT sẽ xử lý.
- Các trường Đại học phía Nam thông báo tuyển nguyện vọng bổ sung
- Những việc thí sinh cần thực hiện sau khi biết điểm chuẩn đại học 2018
- Hai thí sinh trượt oan Đại học đang làm đơn cầu cứu
Bộ Giáo dục yêu cầu các trường Đại học không được hạ điểm chuẩn quá thấp
Đến thời điểm hiện tại, các trường đại học, học viện đã lần lượt công bố điểm chuẩn năm 2018. So với năm 2017, điểm trúng tuyển vào các ngành năm nay có nhiều biến động.
Do không còn quy định điểm sàn như các năm trước, nhiều trường, ngành học giảm điểm trúng tuyển xuống 13. Nếu tính điểm cộng ưu tiên khu vực và đối tượng ở mức cao nhất theo quy định, thí sinh chỉ cần đạt dưới 4 điểm/môn đã đỗ đại học.
Bộ GD&ĐT sẽ vào cuộc nếu các trường đại học hạ điểm chuẩn quá thấp
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT cho biết, các trường tự quyết định điểm trúng tuyển và nhìn chung nhiều trường xác định điểm tiếp nhận hồ sơ là 13 điểm.
Ông Tuấn thông tin về nguyên tắc, các trường xét điểm từ trên xuống dưới, dựa vào số lượng thí sinh đăng ký vào ngành. Khi đủ thí sinh theo chỉ tiêu hoặc nhỉnh hơn một chút để dự phòng, trường lấy mức điểm đó làm chuẩn.
Nhận định một số trường có mức trúng tuyển thấp (13 điểm) nhiều chuyên gia giáo dục cho biết, khả năng do số lượng thí sinh đăng ký vào ngành ít, có khi hạ xuống sàn vẫn chưa đủ chỉ tiêu.
Về vấn đề này, đại diện Bộ GD cho biết, hạ điểm nhưng chắc chắn, điểm chuẩn không thấp hơn điểm sàn mà các trường đã công bố trước đó. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm, Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra và xử lý.
Như vậy, liên quan phản ánh về điểm chuẩn của không ít trường đại học vùng và đại học địa phương ở mức 13, Bộ GD&ĐT chưa can thiệp, miễn trường đảm bảo điểm chuẩn không thấp hơn điểm sàn. Ông Tuấn cho rằng trách nhiệm của bộ là thực hiện công tác hậu kiểm thay vì trực tiếp quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào như trước.
Nếu hạ điểm chuẩn quá thấp chất lượng đào tạo sẽ ảnh hưởng
Lấy điểm chuẩn quá thấp liệu có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo?
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn cho rằng, đề thi THPT Quốc gia năm nay khó hơn năm trước nhưng học sinh trung bình vẫn có thể đạt từ 15 điểm. Xem xét một cách cơ học, dưới mức điểm này có thể coi là dưới điểm trung bình. Nếu các trường lấy điểm quá thấp, có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo về lâu về dài.
Năm nay, ĐH Tiền Giang là một trong số những trường lấy điểm trúng tuyển 13 cho nhiều ngành học. Cụ thể, trừ Giáo dục Mầm non có điểm chuẩn 15, các ngành còn lại đều 13 điểm.
Đại diện nhà trường cho biết năm ngoái, điểm thi THPT quốc gia cao, số lượng thí sinh đạt 30 điểm lớn. Nhiều trường thậm chí lấy điểm chuẩn 30 và cũng có trường hợp 3 điểm 10 không trúng tuyển. Trong khi đó, năm nay, không ngành nào có điểm trúng tuyển đạt 30. Điểm chuẩn của một số ngành giảm sâu. Vì thế, 13 điểm cũng có thể tương đương 15 điểm năm ngoái hay 16 điểm của năm nào đó.
Lý giải xu hướng điểm trúng tuyển vào các trường đại học giảm so với những năm trước, ông Hoàng Đức Thắng – Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết, thực tế điểm chuẩn năm nay không giảm so với những năm trước. Mức điểm 22 năm 2018 có thể tương đương với mức điểm từ 26,5-27 điểm của năm 2017.
Cũng theo ông Thắng, sở dĩ điểm chuẩn năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái do phổ điểm thi THPT Quốc gia thấp hơn hẳn, không còn tình trạng “mưa điểm 10”, có sự phân hóa rõ ràng giữa các thí sinh. Ngoài ra, mức điểm ưu tiên giảm, kéo theo tổng điểm của thí sinh sẽ không cao như năm 2017.