Ở bệnh viện công bác sĩ khá yên tâm, gần như không sợ mất việc, tuy nhiên tiền lương không tương xứng với sức lao động. Vì thế những ai muốn lương cao có thể chọn làm viện tư.
- Bộ y tế: Thu phí người chăm sóc bệnh nhân là hợp lý
- Bộ trưởng Bộ Y tế: Người dân sẽ được xét nghiệm, chụp X-quang miễn phí mỗi năm
- Bác sĩ chuyên khoa II được Bộ giáo dục công nhận tương đương tiến sĩ
Chọn làm viện tư hay công cũng là lựa chọn khó khăn của nhiều bác sĩ
“Quyết định xin nghỉ việc, rời bỏ nơi gắn bó từ lúc mới chập chững vào nghề, chuyển sang môi trường tư nhân, tôi cân nhắc và suy nghĩ khá nhiều”, bác sĩ chuyên khoa hồi sức tích cực chia sẻ. Anh nói ở bệnh viện công, bác sĩ khá yên tâm, gần như không sợ mất việc. “Bệnh viện tư thì khác, tính cạnh tranh, tính đào thải cao hơn nhiều, gần như không có gì bảo đảm sẽ ổn định”, bác sĩ trăn trở khi đứng trước lựa chọn đi hay ở, chấp nhận thử thách hay an phận.
Sau gần 10 năm cống hiến, lương của anh chưa đến 10 triệu đồng mỗi tháng. Để kiếm thêm tiền, anh tranh thủ trực thêm, vừa xong việc bệnh viện công thì chạy sang làm thêm bệnh viện tư. “Có thể nói là bán sức lao động, trách nhiệm cao, gần như không còn thời gian để thở”, anh nhớ lại.
5 năm qua, bác sĩ này đầu quân về một bệnh viện quốc tế, được trả lương tương ứng sức lao động, có thời gian tập trung công việc, làm nhiều điều hơn cho bệnh nhân. Đặc biệt, môi trường bệnh viện tư sạch sẽ hơn giúp hạn chế nhiễm khuẩn bệnh viện, giảm tỷ lệ bệnh nhân chết vì nhiễm trùng.
Bệnh nhân đông, đa dạng, nhiều bệnh nặng, người bệnh ở bệnh viện công cũng không quá khắt khe để cho bác sĩ thực tập so với bệnh viện tư nhân. Các bệnh viện công lập lớn đều có nhiều bác sĩ đầu ngành, bác sĩ đàn anh giàu kinh nghiệm, giúp bác sĩ mới ra trường thực hành nâng cao tay nghề.
Trong chính sách đào tạo, hiếm bệnh viện tư nhân cho bác sĩ đi học dài hạn như chuyên khoa, thạc sĩ, tiến sĩ. Ngược lại các bệnh viện công lập có ngân sách và chính sách, nhiều chương trình tài trợ cho bác sĩ đi học.
“Bác sĩ sau vài năm làm việc tại các bệnh viện công lập có tay nghề khá vững chắc, có bằng cấp sau đại học thì nhu cầu về cuộc sống mới được đặt ra”, bác sĩ này chia sẻ.
Khi đã ổn định về chuyên môn, nhu cầu cuộc sống đầu tiên của bác sĩ là tiền lương. Nhiều bệnh viện công bệnh nhân rất đông, lượng việc nhiều nhưng tiền lương của bác sĩ cố định. Một số trường hợp tiêu cực như bác sĩ lãnh đạo không mổ nhưng đứng tên lĩnh tiền, bác sĩ đàn em làm việc vất vả lại không được tính công.
Ở bệnh viện tư tiền lương tính theo sản phẩm, nếu bác sĩ khám nhiều bệnh nhân thì tiền lương sẽ tăng. Bác sĩ giỏi nhiều cơ hội có đông bệnh nhân, cũng như được chủ đầu tư xem trọng vì cần bác sĩ giỏi để thu hút bệnh nhân, hạn chế tai biến y khoa.
Bệnh viện công còn tồn tại nhiều hạn chế khiến các bác sĩ không hài lòng
Nhu cầu thứ hai mà các bác sĩ cảm thấy không được thỏa mãn ở bệnh viện công là nhu cầu khẳng định bản thân và được tôn trọng. Sau khi đã rành nghề, trở thành bác sĩ giỏi, nhiều người muốn có chức vụ cao hơn, được xem trọng hơn về năng lực chuyên môn, có được vị trí xứng đáng nhưng trong khoa còn rất nhiều đàn anh phía trước. Tại bệnh viện tư, các bác sĩ có thực tài thường được trọng dụng xứng đáng.
Gần đây, các bệnh viện công cải tiến, có nhiều dịch vụ mở ra. Bệnh viện nào linh hoạt ứng dụng cơ chế tự chủ thì khá hơn. Bệnh viện nào cứng nhắc thì cải thiện thu nhập không nhiều.
Các bác sĩ mong muốn bệnh viện công cần mạnh mẽ áp dụng cơ chế mở, tạo nhiều dịch vụ, tạo điều kiện sống tốt hơn để bệnh viện yên tâm làm việc. Bệnh viện tư cần tạo điều kiện để bác sĩ có thể tiếp tục học tập nâng cao chuyên môn nhiều hơn, tiếp cận với đổi mới nhanh nhất có thể.
Những năm qua, nhiều bác sĩ ở các bệnh viện công lập nghỉ việc để chuyển sang các bệnh viện tư nhân làm việc. Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết trong năm 2018 có 97 bác sĩ nghỉ việc. Hai tháng đầu năm 2019 đã có 19 bác sĩ nghỉ việc.
Bộ Y tế đang tiến hành đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính ở các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ theo hướng phân cấp, tự chủ và hiệu quả. Các cơ sở y tế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, tuyển dụng viên chức, tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên.
Đây được xem là cơ hội để bệnh viện công đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, phát triển kỹ thuật cao, ổn định đời sống và thu nhập cho cán bộ y tế. Khi đó nạn “phong bì bệnh viện” hay bác sĩ phải “chân trong, chân ngoài” để tăng thu nhập sẽ giảm bớt. Riêng các bệnh viện địa phương phải có chính sách và ưu đãi để mời các y, bác sĩ trình độ cao về làm việc.
Nguồn: vnexpress.net