Xét tuyển Đại học đợt 1 có 352.000 thí sinh trúng tuyển. Tuy nhiên, đến ngày 8/8 chỉ có 242.000 thí sinh nhập học. Vậy những người còn lại đã đi đâu?
- Hot: 100.000 thí sinh đóng lệ phí nhưng không qua xét tuyển
- Xét tuyển ĐH năm 2017: Ai chịu trách nhiệm cho những thí sinh ảo?
- Gần 4.000 chỉ tiêu bổ sung ĐH Huế: Cơ hội cho nhiều thí sinh trượt đợt 1
110.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học đợt 1
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT mà trang tin tức Y tế giáo dục cập nhật được về tỉ lệ thí sinh nhập học của các trường như sau: Có 57 trường tỉ lệ nhập học từ 90% trở lên; có 74 trường tỉ lệ nhập học từ 70% đến cận 90%; có 65 trường tỉ lệ nhập học từ 50% đến cận 70%.
Hiện tại vẫn còn một số thí sinh gửi giấy chứng nhận kết quả thi THPT Quốc gia qua đường bưu điện nên các trường vẫn chưa cập nhật hết được. Chính vì thế số lượng thí sinh nhập học vẫn có thể tăng nhẹ trong vài ngày tới
Theo kế hoạch đến hết ngày 12/8 quá trình cập nhật thí sinh khẳng định nhập học kết thúc. Bộ GD&ĐT dự báo đợt 1 các trường sẽ tuyển được khoảng 80% tổng chỉ tiêu.
Tại sao thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học?
Cập nhật từ Trường ĐH Giao thông vận tải cho biết, trường vẫn còn thiếu 300 chỉ tiêu do có nhiều em trúng tuyển nguyện vọng 1, 2 nhưng không nhập học. Nhà trường cũng đã gọi cho 70 em trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng các em đều trả lời không đi học. Trường có hỏi nguyên nhân tại sao thì các em trả lời rằng, các em đăng ký là do trường THPT khuyến khích các em đăng ký.
Tương tự trường ĐH Xây dựng, hiện nay đã có 89% thí sinh đến nhập học, trường còn thiếu khoảng 300 sinh viên mới đủ chỉ tiêu. Liên hệ với ông Nguyễn ĐìnhThi, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết, nhà trường đã gọi điện cho từng thí sinh có tên trong danh sách trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng không đến nhập học, các em trả lời với nhiều lý do và chủ yếu nói không có nhu cầu học. Ông Thi cho rằng, có thể các em đi nước ngoài du học hoặc học nghề.
Hiện tại, mới có 242.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 làm thủ tục xác nhận nhập học so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 352.000. Như vậy, con số 110.000 thí sinh được xác định là trúng tuyển đã đi đâu?
Nhiều trường đại học tốp giữa, tốp dưới đã phân tích nhiều nguyên nhân, đưa ra nhiều lý do để trả lời câu hỏi này và Bộ GD&ĐT đã đưa ra giải pháp mạnh mẽ áp dụng cho mùa tuyển sinh năm nay nhưng điệp khúc vẫn lặp lại.
Các ngành, các trường không thu hút đối với thí sinh
Theo Ths. Lê Hồng Khanh – Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur: Các ngành, trường không thu hút thí sinh là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thí sinh đến nhập học ít hơn nhiều so với số thí sinh trúng tuyển.
Ông Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Thủy lợi cho rằng có 2 nguyên nhân chính dẫn đến số lượng thí sinh nhập học thấp so với số lượng trúng tuyển:
“Đầu tiên là do các ngành kỹ thuật, xây dựng trong khoảng 1-2 năm trở lại đây kém thu hút hơn trước, không được thí sinh ưa chuộng. Nguyên nhân này cũng dễ hiểu vì thường thí sinh cho rằng, học các ngành kỹ thuật sẽ vất vả hơn so với các nhóm ngành khác. Trong khi việc làm sau khi ra trường cũng nặng vì đây thường là những ngành gắn với sản xuất”, ông Thạc cho hay.
Thứ 2, phương thức xét tuyển năm nay kết hợp với kết quả thi THPT quốc gia cao hơn mọi năm nên nhiều thí sinh ngộ nhận về kết quả của mình tốt đã đăng ký vào những trường tốp trên cùng. Điều này dẫn đến kết quả tuyển sinh của các trường tốp trên tốt hơn trong khi các trường tốp dưới lại khá chật vật.
Trong khi đó, ông Phạm Quang Dũng, Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải cho rằng, việc thí sinh trúng tuyển mà không nhập học chủ yếu do nhu cầu của thí sinh.
Theo quan điểm của ông Dũng: “Các em không tha thiết với nguyện vọng đăng ký ban đầu thì sẽ không đến học. Điều này các trường rất khó can thiệp vì kể cả việc gọi điện cho thí sinh đến nhập học nhưng có thể chỉ sau một năm thí sinh lại bỏ học vì đó không phải là trường/ngành em yêu thích”
Nguồn: Xét tuyển Cao đẳng Dược