Trong các cơ sở bệnh viện y tế, Điều dưỡng viên có nhiệm vụ cao cả, chăm sóc phục vụ bệnh nhân. Vất vả, khổ cực là thế, ấy thế mà thu nhập và chế độ đãi ngộ lại chưa thực thỏa đáng
- Tuyển Điều dưỡng viên làm việc tại CHLB Đức khóa 4 đợt 2 năm 2018
- Khám phá một ngày làm việc của Điều dưỡng viên bệnh viện
- Bức tâm thư đẫm nước mắt của nàng Điều dưỡng viên
Nghề Điều dưỡng vất vả, mệt nhọc
Muôn phần vất vả đắng cay
Lan Anh tốt nghiệp Cao đẳng Điều dưỡng tại một trường Cao đẳng Y Dược tại Hà Nội cho biết. Ban đầu khi trúng tuyển vào làm điều dưỡng viên tại một bệnh viện lớn cô đã rất vui sướng, thậm chí là tự hào vì sinh viên mới ra trường như cô lại có công việc ngay lập tức. Hàng ngày, nhìn cô gái trẻ trong bộ đồ trắng tinh hối hả đi làm, bà con hàng xóm ai cũng ngưỡng mộ, thán phục và mừng cho gia đình Lan Anh “có người làm ngành y là yên tâm”. Tuy nhiên sau một thời gian làm việc, suy nghĩ của cô đã khác.Cô đã sớm suy nghĩ bỏ nghề, bởi đã quá thấm thía những cực nhọc, vất vả của nghề điều dưỡng, dù mới chỉ đi làm được hơn một năm. Lan Anh chia sẻ rằng, hàng tuần, cô phải thức trắng trực ở khoa hai đêm. Những ngày còn lại, cô phải dậy sớm, vượt quãng đường gần 20km để có mặt ở bệnh viện lúc 7h sáng. Lúc này, cô cùng những điều dưỡng viên khác đến các giường bệnh thăm hỏi, thay băng, tiêm hoặc truyền dịch… cho bệnh nhân. Khoa thần kinh rất đông bệnh nhân, vì vậy, điều dưỡng viên của khoa phải làm việc hết công suất, không kể ngày đêm. “Những đêm trực, gần như tụi em thức suốt bởi hết bệnh nhân này kêu, lại đến bệnh nhân khác gọi thay băng, truyền dịch. Có bệnh nhân bị chấn thương sọ não, lên cơn la hét quậy phá suốt đêm”. “Công việc quần quật, lại thường xuyên phải chịu đựng những bực bội, cáu gắt vô cớ của người bệnh, nhiều khi điều dưỡng viên chúng em chỉ biết khóc thầm. Mong mỏi lớn nhất là có một ngày nghỉ vào cuối tuần nhưng càng vào ngày nghỉ, dịp lễ tết thì công việc càng bận rộn hơn”- Lan Anh tâm sự.
Thu Trang tốt nghiệp văn bằng 2 Cao đẳng Điều dưỡng, hiện đang làm việc tại bệnh viện Việt Đức chia sẻ rằng. Các điều dưỡng viên trong khoa chạy như con thoi cả ngày lẫn đêm. “Ở khoa này gần như giờ nào cũng có vài ca vào cấp cứu, không bị bệnh thì tai nạn giao thông, đâm chém nên điều dưỡng không khi nào ngơi tay”. Ở khoa phẫu thuật, ngoài thay băng, truyền dịch, cho thuốc, chuẩn bị đưa đi mổ, điều dưỡng viên có khi chôn chân trong phòng mổ 3-5 tiếng để theo bác sĩ hết ca mổ. Có những ca mổ phức tạp kéo dài từ 10 giờ sáng đến hơn 2 giờ chiều nên việc nhịn đói cũng là chuyện bình thường. “Thức đêm, nhịn đói, đứng lâu hoặc đi lại nhiều nên không ít điều dưỡng viên khi hết ca làm việc là choáng váng, mắt mờ, tay mỏi, chân run. Hơn thế nữa, việc chăm sóc bệnh nhân cũng khiến nhiều Điều dưỡng viên gặp áp lực. Bởi cuộc sống bình thường đã mỗi người một tính, những người đang mang bệnh tật tính cách càng khó chiều hơn. Thế nên, chỉ sơ sểnh khiến người bệnh không vừa ý là điều dưỡng có thể bị mắng chửi, quát tháo.
Chế độ đãi ngộ đối với Điều dưỡng chưa thực sự tốt
Chế độ đãi ngộ thấp, khó gắn bó với nghề lâu dài được
Nhọc nhằn, vất vả như vậy, nhưng thu nhập và chế độ với điều dưỡng viên lại chưa tương xứng. Ngọc Mai, điều dưỡng viên Bệnh viện Phổi Hà Nội chia sẻ. “Sinh viên mới tốt nghiệp ra trường như em, lương khởi điểm chỉ được vỏn vẹn 3 triệu đồng/tháng, không có thêm bất cứ nguồn thu nhập nào khác nữa. Vì là sinh viên tỉnh lẻ lên Hà Nội làm việc, em phải thuê nhà trọ để ở. Mỗi tháng cũng mất gần 1triệu đồng, rồi bao nhiêu các khoản chi phí khác, với mức lương ấy, phải tằn tiện thì mới có thể sống được đến hết tháng” Công việc thì vất vả, mà chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế lại quá thấp khiến nhiều người đam mê với công việc điều dưỡng cũng khó lòng theo đuổi đến cùng. Ngọc Mai cũng chia sẻ thêm “Rất mong Nhà nước, cải thiện hơn nữa về mức lương, các chế độ đãi ngộ của điều dưỡng viên thì mới mong giữ chân được người giỏi ở lại với nghề nhiều vất vả, lắm đắng cay này”.